Thương mại điện tử: “Bà đỡ” cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều ảnh hưởng đến việc kinh doanh và mở rộng thị trường. Lúc này, thương mại điện tử (TMĐT) được xem là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong việc duy trì hoạt động và bù đắp phần nào việc sụt giảm doanh số.
Quảng Ninh hiện có gần 500 sản phẩm OCOP, trong đó có trên 200 sản phẩm được xếp hàng sao và là địa phương đi đầu trong Chương trình OCOP. Cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý và doanh nghiệp hiện đã có trên 40 sản phẩm được bán tại hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại trên cả nước, nhiều sản phẩm đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, với lợi thế về du lịch sẵn có, việc đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm đã tạo ra cho Quảng Ninh một kênh quảng bá và bán sản phẩm OCOP hiệu quả. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra thì kênh bán hàng không còn phát huy được tác dụng.
Trang bị cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh kỹ năng cần thiết để tham gia TMĐT |
Theo bà Cao Hồng Vân – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV New Star, doanh nghiệp sản xuất đặc sản (nước mắm sá sùng) kênh quảng bá và bán hàng chính của doanh nghiệp là thông qua các chương trình du lịch, hội nghị, thời gian qua do dịch Covid – 19 doanh nghiệp mất đi cơ hội quảng bá. Tuy nhiên, thông qua các sàn TMĐT một “cánh cửa” mới đã mở ra cho doanh nghiêp. “Đây trở thành cầu nối giúp doanh nghiệp bán sản phẩm trong thời điểm dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp hiện nay, đồng thời về lâu dài cũng tạo thói quen tiêu dùng trên sàn TMĐT cho người tiêu dùng” – bà Vân chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hiền – Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh – cho biết, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các sàn TMĐT, với mục đích giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đồng thời, thông qua các sàn TMĐT, hàng hóa được đáp ứng tới toàn dân. Sàn TMĐT cũng sẽ giúp đơn vị sản xuất quản lý tốt thông tin dịch vụ và giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thuận lợi hơn trong phân phối sản phẩm với chi phí thấp nhất và dễ dàng kết nối với thị trường trong và ngoài nước.
Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – cho rằng, với việc gia nhập các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh, chắc chắn sẽ tạo nên một gian hàng Việt quốc gia có chất lượng cao, phong phú về sản phẩm. Đặc biệt, với tính chất của các mặt hàng nông sản là nhỏ lẻ, mang tính địa phương thì chỉ có môi trường trực tuyến mới có thể hỗ trợ mạnh nhất cho những hàng Việt này. “Cùng sự bảo trợ của Bộ Công Thương thì các hàng hóa này sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn rất nhiều. Ngoài ra, với sự hỗ trợ, đào tạo của các bên tham gia thì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ có các kỹ năng cần thiết, tích tụ đủ nguồn lực để tham gia hiệu quả, vững vàng hơn trong môi trường trực tuyến” – ông Hải đánh giá.
Từ đầu năm 2021, sàn TMĐT Sendo đã tổ chức nhiều buổi hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đặc biệt là người nông dân trong việc chuyển đổi số, chuyển từ các kênh bán hàng truyền thống sang sàn TMĐT, từ việc mở gian hàng, đăng tải sản phẩm lên gian hàng… |